Đón nhận và đánh giá Hai sắc hoa Ti-gôn

Sự kiện bài thơ này cùng "Bài thơ thứ nhất" của T.T.Kh. đăng trên báo thời điểm đó đã thu hút sự quan tâm và bàn luận sôi nổi của giới thi đàn và công chúng Việt Nam nhờ sự hưởng ứng bởi một số nhà thơ, nhận tác giả là người yêu của mình; có "kẻ" đã "không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác". Đến năm 1942, tác phẩm được đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài ThanhHoài Chân, là tuyển tập những tác gia và sáng tác nổi bật trong phong trào Thơ Mới 1930-1945.[24] "Hai sắc hoa Ti-gôn" sau đó đã được in lại ở nhiều ấn phẩm tuyển tập thơ khác nhau[25][26][27] và được các nhà khảo cứu phân tích để liên hệ với danh tính thực của T.T.Kh..[21][28]

Nhận xét

Theo nhà văn Thanh Châu,

Tôi đọc bài thơ đầu của T.T.Kh ["Hai sắc hoa Ti-gôn"] với một sự cảm động thực thà. Tôi cho rằng những lời thơ xuất từ tâm hồn tầm giản dị nhẹ nhàng và chân thật ấy còn đẹp hơn cả những lời thơ đẹp nhất của các Desbordes Valmores hay Rosemonde Gérard của Pháp nữa. Và tôi thấy chán cả cái nghề viết tiểu thuyết. Bởi tôi nghĩ: cùng một mốt cảm mà T.T.Kh có thể viết nên những vần réo rắt mãi trong tâm can người vậy được, còn câu truyện của tôi, có khéo kể lắm, thì rồi người ta đọc qua một lần cũng sẽ quên đi.
— Thanh Châu, [8]

Theo nhà phê bình văn học Thụy Khuê,

"Hai sắc hoa ty gôn" mở đường cho một lối lãng mạn khác với lãng mạn Đông Hồ, Tương Phố. Có thể nói "Hai sắc hoa ty gôn" là "giọt lệ tương tư mới", nơi TTKh, không phải là giọt lệ khóc chồng của Tương Phố, khóc vợ của Đông Hồ, mà là giọt lệ "khóc cho tình yêu"; hơn thế nữa, khóc "người tình" ngoài hôn nhân, một đối tượng tự do, phóng khoáng, vượt khỏi khuôn khổ lễ giáo thời bấy giờ. Và lần đầu tiên hai chữ "người ấy" được chính thức đưa vào thi ca, sau này nó sẽ trở thành "cổ điển", trở thành ngôn ngữ gối đầu giường của giới trẻ trong nhiều thế hệ.
— Thụy Khuê, [28]

Theo đài SBS Tiếng Việt,

"Hai sắc hoa Ti gôn" của thi sĩ TTKh chỉ xuất hiện như ánh sao băng lướt qua bầu trời của thi đàn Việt Nam đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội vào năm 1937, nhưng đã lay động trái tim của những người yêu thơ cũng như của các nhạc sĩ thời đó [...] Ở vào bất cứ thời đại, bất cứ quan điểm sống nào vẫn luôn có những mối tình đẹp và tan vỡ vì nhiều lý do khác nhau vì nhiều hoàn cảnh khác nhau và vì vậy "Hai sắc hoa Ti gôn" vẫn còn sống mãi trong hoài niệm của những người đã hoặc đang mang theo trong mình mối u tình ngang trái đó.
— Tuấn Tôn, [29]

Theo học giả Thomas D.Le của Viện Việt-Học,

Bốn bài thơ của T.T.Kh., bắt đầu với "Hai sắc hoa Ti-gôn", là câu chuyện về một mối tình tay ba. Trong khi tình tay ba không phải là hiếm tại bất kỳ xã hội nào, đặt ở bối cảnh xã hội và lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20 thì nó lại là chủ đề cấm kỵ trong văn học. [...] Sự chấn động mà bài thơ tạo ra nằm ở tính độc đáo trong việc chạm đến trái tim của người đọc một cách phi thường. Thời đó, "Hai sắc hoa Ti-gôn" mới lạ, táo bạo, và thẳng thắn ngoài sức tưởng tượng. Người phụ nữ, bị cản trở bởi phong tục hôn nhân sắp đặt cũ, đã đưa ra bản cáo trạng công khai về chế độ với một lời than khóc trước công chúng. Bằng chính hành động đó của mình, cô vạch trần sự bất công của một tập tục mà xã hội hiện đại không nên dung thứ. Nhà thơ đã nâng cao nhận thức của giới trẻ về nhu cầu cải cách mà không cần đề cập nhiều đến nó.
— Thomas D.Le, [1]